Tình Sử Võ Tắc Thiên - 10

Mấy ngày liền, Cao Tôn không nhắc nhở đến chuyện này để Võ Hậu không đề phòng.
Rồi một tối ông lại đi rình hai người.
Rất may cho ông là lần này đứa thị nữ không trông thấy ông. Mãi đến khi ông đến chân tháp nó mới phát giác và la hoảng. Nó ù té chạy lên từng trên, ông vội chạy theo để nó không kịp báo động.
Lúc đến nơi ông thấy hai người vừa buông nhau ra, tên Pháp sư đang sửa lại dây lưng, còn Võ Hậu quần áo xốc xếch y như ông đã thấy nhiều lần trong phòng ngủ của ông. Hai ly rượu còn đặt trên sàn.
Võ Hậu có vẻ luống cuống:
– Bệ Hạ đến xem cầu đảo đấy ư? Pháp sư vừa ngừng tay để nghỉ một lát thì Bệ Hạ tới.
– Trẫm biết rồi.
Cao Tôn vừa nói vừa quay lưng đi trở xuống.
Võ Hậu nói với theo:
– Sao Bệ Hạ không ở lại xem cúng? Ở trên này tắt đèn vì cần phải yên lặng tuyệt đối mới cầu đảo được.
– Tại sao cứ cầu đảo là phải có người đứng xem? Mình hắn làm không được sao? Trẫm tưởng muốn phù phép trừ tà thì phải làm ở ngoài trời, chứ sao lại làm trong phòng kín.
Nói rồi Cao Tôn bỏ xuống dưới mặc hai người trong phòng đang ngồi thở hổn hển.
Ông đã nhìn thấy tận mắt, như vậy là đủ.

Cao Tôn đã có chủ ý. Thực ra, ông rất sung sướng vì đã tìm ra một bằng chứng đủ để truất ngôi Hoàng hậu. Giờ đây ông chỉ còn cần tới can đảm.
Nửa giờ sau, Võ Hậu bước vào phòng ông.
– Sao Bệ Hạ không ở lại? Sao lúc đó Bệ Hạ lại tỏ vẻ giận dữ. Bệ Hạ nghi ngờ điều gì chăng?
– Trẫm không nghi gì hết.
– Đáng lẽ Bệ Hạ phải ở lại. Cung điện này luôn luôn có ma. Chắc Bệ Hạ không thể biết thiếp đã phải chịu đựng sợ hải như thể nào? Thiếp chắc rằng tên pháp sư có thể trừ ma được. Cuộc cầu đảo hấp dẫn quá, thiếp phải ở lại coi.
– Với hai ly rượu nữa chứ gì?
– Trời ơi, thiếp thề với Bệ Hạ là không có chuyện gì…
– Hừ, đối với người khác mi là một Hoàng hậu, chứ đối với ta mi chỉ là một đứa đạo đức giả, một con điếm.
Võ Hậu hết lời giải thích và năn nỉ nhưng vô ích. Cuối cùng bà đứng dậy và nói:
– Thôi được, thiếp ra ngoài để Bệ Hạ có thì giờ suy nghĩ. Bệ Hạ sẽ thấy thiếp làm như vậy là phải.
Ngày hôm sau, Cao Tôn kể chuyện này và nói ý định của mình cho quan Trung Thư Thị Lang tên là Thượng Quan Nghi nghe. Ông là người duy nhất Vua có thể tin cẩn được.
Ông đồng ý với Vua:
– Tâu Bệ Hạ, để thần soạn cho Bệ Hạ một chiếu chỉ, nhưng Bệ Hạ nhớ đừng cho ai biết. Trong chiếu chỉ, thần sẽ không nhắc đến chuyện ngoại tình mà chỉ buộc Hoàng hậu vào tội đã dùng tà thuật trong cung, vì trước đây Vương hậu cũng bị phế vì tội này ; và tội đã đầu độc bà Công tước, tội đã giết hại các công thần như Vô Kỵ, Toại Lương, vì vụ này có tác động rất lớn về mặt tình cảm. Đại để chiếu chỉ sẽ nói rằng Hoàng hậu không còn xứng đáng nữa, phải phế đi, như vậy là đủ.
Vua rất mừng:
– Được lắm, khanh hãy về thảo chiếu. Nhớ giữ tuyệt đối bí mật nghe.
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như Cao Tôn nghĩ. Thực ra ông đã tự lừa dối mình, vì ông thừa biết mọi cử chỉ, hành động của ông đều bị theo dõi và được báo cáo với Võ Hậu.
Chiều hôm đó, Cao Tôn đang ngồi đọc lại bản thảo thì Võ Hậu bước vào. Bà nhìn ông một cách nghi ngờ, mắt bà toé lửa. Còn Cao Tôn mặt mày tái mét.
Bà rít lên:
– Có đúng như vậy không?
– Cái gì đúng?
– Thôi Bệ Hạ đừng giả vờ nữa. Thiếp biết cả rồi. Chiếu chỉ đâu?
Bà đưa mắt nhìn tờ giấy vàng nằm trên bàn.
Cao Tôn lo lắng ra mặt:
– Không, không phải. Đây chỉ là một bản thảo.
Võ Hậu gầm lên:
– Đưa đây !
Như cái máy, Cao Tôn đưa tờ chiếu cho Võ Hậu.
Bà đọc lướt qua một lần rồi nghiến răng xé tờ giấy ra từng mảnh.
– Ai viết tờ chiếu nầy?
Cao Tôn ngồi yên.
– Nét bút của Thượng Quan Nghi, đúng không?
Cao Tôn gật đầu.
– Chắc Bệ Hạ không ngờ thiếp lại biết hồi trưa này Bệ Hạ vào phòng Thượng Quan Nghi và đóng kín cửa để bàn luận. Trước khi đọc tờ chiếu thiếp đã thừa biết nội dung nó ra sao rồi.
– Cao Tôn vẫn yên lặng.
Võ Hậu ngồi xuống, dịu giọng:
– Thiếp có vài điều ấp ủ từ lâu mà chưa có dịp nói với Bệ Hạ. Nhân tiện đây thiếp nói luôn. Thiếp mong Bệ Hạ đừng bao giờ nghe những lời dèm pha láo lếu. Thiếp kêu người trừ tà ma trong cung thì đâu có gì mà Bệ Hạ phải giận dỗi như đứa trẻ. Có bao giờ thiếp thiếu bổn phận làm vợ đối với Bệ Hạ chưa?
Cao Tôn ngồi yên.
Võ Hậu tiếp:
– Gần đây thiếp thấy Bệ Hạ càng ngày càng phiền muộn và cáu kỉnh. Thiếp nghĩ rằng Bệ Hạ không được khoẻ nên thiếp không nói gì. Thiếp còn bận lo bao nhiêu công chuyện, nào là chuyện cung điện mới, chuyện triều chính. Tại sao thiếp lại phải trằn trọc mỗi đêm? Đó là vì thiếp mải suy tính các việc phải làm, phác hoạ các kế hoạch, quyết định những vấn đề quan trọng về triều thần và đường lối cai trị. Tất cả những việc đó là để giúp Bệ Hạ, muốn Bệ Hạ lập được những công nghiệp vĩ đại. Nếu có ai muốn thay thiếp lo cho Bệ Hạ, thiếp sẳn sàng nhường ngay.
Cao Tôn đang bối rối vì nhức đầu. Ông không muốn bàn đến chính trị vào giờ phút này.
Ông nói:
– Làm ơn để tôi yên.
Nhưng Võ Hậu cứ nói tiếp:
– Bệ Hạ rất kém thông minh khi nghĩ rằng thiếp đã giết chị ruột thiếp. Thiếp biết có những điều mờ ám trong đó. Hơn nữa, Bệ Hạ phải nhớ rằng có những việc mình không muốn mà vẫn phải làm. Ví dụ trường hợp Vô Kỵ và Toại Lương. Bệ Hạ yếu lòng quá nên mới tin được bọn họ. Bệ Hạ thử tưởng tượng xem số phận chúng ta sẽ ra sao nếu không ra tay trước?
– Khanh lúc nào chả có lý.
– Đúng như vậy. May mà thiếp phá vỡ âm mưu kịp thời. Nếu thiếp không cứng rắn thì giờ này Bệ Hạ đâu còn ung dung ngồi yên trên ngai vàng. Làm vua, Bệ Hạ phải xử sự như một ông vua. Thiếp chỉ tiếp tay Bệ Hạ mà thôi. Bệ Hạ có biết vì sao thiếp xây toà cung điện mới này không? Vì Bệ Hạ ! Thiếp luôn luôn bận rộn là để giúp Bệ Hạ trở thành một ông vua vĩ đại, nhưng Bệ Hạ cần phải cố gắng hơn, tự tin hơn. Bệ Hạ hãy nhìn xem đế quốc rộng lớn của chúng ta ! Bao nhiêu xứ đang chịu ta sai khiến. Nước Cao Ly cũng sắp trở thành chư hầu. Có bao nhiêu việc Bệ Hạ phải làm. Thiếp đang xếp đặt nhiều chương trình lớn lao để giúp Bệ Hạ. Chúng ta sẽ xây thêm nhiều đền đài, cung điện, thật hùng vĩ hơn hơn các triều đại trước. Bệ Hạ hãy tỏ ra mình là một ông Vua. Chúng ta hãy cùng nhau thực hiện những công nghiệp hiển hách. Bệ Hạ đừng mơ ngủ nữa, đừng ngồi đây nghe kẻ khác nói vào nói ra nữa !
Suýt nữa Cao Tôn ngã lòng vì bị Võ Hậu tấn công tới tấp. Ông cảm thấy choáng váng vì bị khích động. Ông sợ phải quyết định.
Cuối cùng, ông nói một cách buồn rầu:
– Ta biết khanh có thể tự mình cai trị, không cần đến trẫm.
– Điều đó thiếp làm được, nhưng thiếp chỉ muốn giúp Bệ Hạ. Bệ Hạ có vẻ yếu trong người. Thôi Bệ Hạ nên đi ngủ sớm và ráng ngủ cho ngọn đừng nghĩ ngợi vẩn vơ nữa.
Cao Tôn thở dài, cam chịu số phận. Bao nhiêu hy vọng được tự do đã trở thành mây khói.
Với phản ứng nhanh nhẹn, Võ Hậu đã đảo ngược tình thế. Nhưng càng nghĩ về chuyện này bao nhiêu, bà càng tức giận bấy nhiêu. Không ngờ lại có kẻ dám nghĩ đến chuyện truất ngôi bà.
Võ Hậu biết mình luôn luôn có sẵn một con dao trong tay. Bà sẽ cho tất cả triều thần bài học đầu tiên và cũng là cuối cùng. Bà cho gọi Hứa Kỉnh Tôn. Hắn cho bà biết trước kia Thượng Quan Nghi làm việc với Thái tử Trung, vậy hiển nhiên ông là đồng loã của Thái tử.
Lập tức Thượng Quan Nghi bị ghép vào tội phản loạn và bị chém đầu. Gia đình ông bị bắt làm nô lệ. Mỉa mai thay, ngày sau một đứa cháu gái Thượng Quan Nghi được đem vào cung và làm lủng đoạn triều đình dưới thời Trung Tôn. Chúng ta sẽ gặp lại cô bé này ở cuối truyện.
Những âm mưu tưởng tượng xung quanh Lý Trung đã được lợi dụng quá mức và trở nên cũ rích. Võ Hậu cảm thấy Trung không còn dùng vào việc gì được nữa, bà cho phép chàng được tự treo cổ để khỏi bị xử tử giữa công chúng – quyền lợi của một Hoàng tử ! Lúc đó chàng mới hai mươi hai tuổi.
Cao Tôn biết mà không cứu được con.
Hồi 8

Những người kín miệng nhất
Từ ngày Cao Tôn mưu sự bất thành, tình trạng ông càng trở nên bi đát.
Chứng đau thần kinh hành hạ ông ghê gớm và dai dẳng hơn. Những cơn nhức đầu thường làm ông kiệt lực và khi tỉnh táo lại. Ông thẩn thờ, chán ngán. Ông thường cặm cụi nghịch những đồ dùng của thợ mộc như cưa đục, bào, v.v. Ông tự cưa những miếng gỗ bào, rồi đánh bóng, và có vẻ thích thú với công việc này lắm. Có lúc ông bày các thứ châu báu hay đồ cổ quí giá ra chơi với San San – con gái bà Công tước đã qua đời – cô này đã trở nên một thiếu nữ mười tám rất xinh đẹp.
Hiển nhiên ông không quan tâm gì đến việc triều chính, để mặc bà vợ lo.
Trong mười năm tiếp theo, sức khoẻ ông trải qua mấy lần khủng hoảng. Ông thường bãi bỏ các buổi chầu sáng sớm, vì dù có lâm trào chưa chắc ông đã nghe thấy triều thần nói gì. Do đó, một thông lệ được đặt ra: Trong mỗi buổi chầu, Võ Hậu ngồi phía sau một bức mành giúp Vua đối đáp với quần thần. Dần dần các quan vào chầu quen chờ nghe tiếng đàn bà hơn là tiếng đàn ông.
Điều này không hay ho gì, nhưng Võ Hậu viện cớ phải giúp ông chồng bệnh hoạn, theo bà nghĩ, ông cũng muốn được giúp như vậy. Người ta thường gọi chế độ này là “Nhị Thánh lâm trào”.
Bà Hoàng hậu hiếu động đã làm Vua mệt nhoài. Trong khi Cao Tôn chỉ thích thơ thẩn trong cung để cùng San San ngắm những con cá vàng hay những chậu thược dược thì Võ Hậu cứ bày trò bắt ông phải đi. Khi thì thăm cung điện mới ở Lạc Dương – tháng 3 năm 665 – khi thì đi dự lễ duyệt binh ; và bà lại đang sắp sửa tổ chức một cuộc ngự giá vĩ đại ra tận Thiên Sơn, vừa đi vừa về phải mất sáu tháng. Cứ nghĩ đến quãng đường diệu vợi, phải ngồi trên xe la hơn một ngàn cây số, Vua đủ thấy sợ. Vua muốn thoái thác để ở nhà lắm mà không được. Đây là lễ Phong Sơn, Vua phải lên ngọn Núi Thánh để lễ trời. Chuyến đi vừa để hành hương vừa để kỷ niệm một triều đại lớn.
– Dĩ nhiên, Bệ Hạ phải đi.
– Nhưng Núi Thánh ở tận Sơn Đông, cách đây cả ngàn cây số làm sao trẫm đi nỗi.
– Bệ Hạ đừng lo. Sẽ nghỉ nhiều lần ở dọc đường và có đủ tiện nghi cho Bệ Hạ.
– Phải rồi. Chúng ta sẽ đi riễu suối dọc đường cho thiên hạ ngó. À, khanh tổ chức lễ Phong Sơn để làm gì vậy?
– Để cảm tạ Thượng đế đã cho chúng ta thái bình và thịnh vượng. Ngày xưa Tiên đế cũng tổ chức lễ này, Bệ Hạ phải noi gương.
– Thái bình thịnh vượng gì. Vứt hết ! Trẫm mang theo mấy con dế được không?
– Thôi đừng tầm xàm nữa.
– Trẫm nói thật mà. Khanh phải cắt mấy đứa trông dế cho trẫm. Có bao nhiêu người đi tất cả?
– Khoảng mấy trăm.
– Trời đất !
– Các thượng thư và các triều thần đều muốn được hân hạnh tháp tùng chúng ta trong cuộc ngự giá vĩ đại này. Nếu kể cả bọn người hầu, con số sẽ khoảng một ngàn, như thế mới tưng bừng. Cả triều đình đều đi rước hết !
– San San có đi theo không?
– Nó đi để làm gì?
– Vậy trẫm cũng không đi.
San San được phong làm nữ Công tước từ khi mẹ nàng mất. Nàng là một cô bé vui tươi quen sống trong nhung lụa, hay cười và còn ngây thơ trước những trò quỉ quái của đàn ông. Tính tình nàng mềm mỏng đến nỗi nàng đã khóc hu hu khi một con dế của nàng bị thua dế của Vua và bị cắn gảy mất một giò.
Cao Tôn cũng làm bộ ôm mặt khóc theo, rồi bất chợt hai người nhìn nhau cười xoà. Hai người vẫn tự hào là không ai hiểu được họ.

No comments:

Post a Comment