Tình Sử Võ Tắc Thiên - 12

Những hành động trên đưa Thái tử Hoằng đến chỗ chống đối với Mẫu hậu.
Chàng tán thành việc thi hành kỷ luật và công lý, nhưng chàng phản đối những hành vi tàn ác, tư thù nhỏ nhen.
Một hôm Hoằng đến Lạc Dương chơi và khám phá ra rằng hai người con gái của Triệu phi là Nghi Dương và Cao An hiện sống cô độc nơi hậu cung. Họ đều đã luống tuổi – trên dưới ba mươi – mà chưa hề tính chuyện chồng con. Thật ra họ bị giam lỏng, không có cách gì lấy chồng được.
Thái tử Hoằng tìm Võ Hậu và nói với bà:
– Thưa mẹ, theo sách thánh hiền con gái lớn phải đi lấy chồng, sao con thấy hai chị của con vẫn còn độc thân? Họ không thể làm hại triều đình được đâu, xin mẹ hãy thu xếp cho họ.
Võ Hậu không thể từ chối trước những lý lẽ hợp với công đạo này. Tuy nhiên, bà nghĩ rằng đối xử với hai người như hiện thời đã là đặc biệt, dễ dải rồi. Tất cả thân quyến của Triệu phi đều bị gọi là bọn “kên kên” và đã bị đày đi xa, nhưng bà để hai người con ruột của Triệu phi ở trong cung là để tránh tiếng đồn đại ra ngoài. Bà trả lời với Hoằng là bà quên mất hai người và hứa sẽ cho họ đi lấy chồng.
Sau đó bà đem gả hai người cho hai tên thị vệ. Hành động này có vẻ bất nhân vì dù sao họ cũng là con ruột của Cao Tôn.
Võ Hậu làm những việc ngang trái nhưng không bao giờ bà muốn con bà đem những việc đó ra phán đoán.
Một tháng sau – tháng tư năm 672 – lại một chuyện nữa làm Thái tử giận điên người, và vợ chàng cũng rất buồn.
Vợ của Hoàng tử Triết là Đào phi một người đàn bà rất hiếu thuận. Mẹ của Đào phi là Công chúa Trường Lạc hay ra vào nội cung và đã mấy lần Võ Hậu bắt gặp bà cặp kè với Cao Tôn.
Võ Hậu giận lắm nhưng không giết, chỉ đổi hai vợ chồng Công chúa đi xa và cấm lai vãng về triều. Dĩ nhiên chuyện này không dính dáng tới Đào phi, nhưng Võ Hậu cũng đem nàng nhốt vào một căn buồng và sai người ngày ngày đưa cơm cho nàng. Ít lâu sau người ta phát giác nàng đã chết trong buồng vì đói.
Thái tử Hoằng biết Võ Hậu đã ra lệnh bõ đói nàng.
Hoàng tử Triết cũng biết vậy, nhưng không dám đến thăm vợ hoặc có ý kiến gì. Triết im lặng, nhưng Hoằng nhất định nói, và chàng đi tìm mẹ.
Khi thấy chàng, Võ Hậu đã biết ý. Bà giữ vẻ mặt cực kỳ nghiêm nghị.
Trong hoàng tộc, dù là mẹ con cũng phải giử đủ lễ nghi. Thái tử đến trước mặt Hoàng hậu, nói bằng một giọng dõng dạc, tự tin. Chàng không gọi mẹ xưng con mà dùng tiếng: “Muôn tâu mẫu Hậu” rất trịnh trọng.
Chàng nói:
– Muôn tâu Mẫu Hậu, hài nhi trộm nghĩ Mẫu Hậu đã viết một cuốn sách tán dương những người đàn bà đạo đức, vậy mà nay trong nhà mình lại có một người đàn bà đạo đức bị bỏ chết đói thì thật đáng buồn.
Câu nói như một tiếng sét lớn giáng xuống đầu Võ Hậu.
Bà giận run. Gã con trai của bà dám nói với bà như vậy sao? Hắn muốn ám chỉ gì? Từ khi bà đổi bố mẹ Đào thị đi xa. Đào thị dám tỏ vẻ bất mãn, mấy ngày liền không thèm mở miệng nói năng. Như vậy không đáng tội sao? Một người con dâu “đạo đức” là như vậy sao?
Bà nghiến răng:
– Thị vô lễ, ta trừng phạt thì không được hay sao? Còn thị muốn nhịn đói là quyền của thị, sao lại đổ lỗi cho ta? Còn ngươi nữa, đừng quên bổn phận làm con, đừng lên mặt dạy ta.
Thái Tử vẫn bình tĩnh:
– Tâu Mẫu Hậu, vậy mà hài nhi lại tưởng Mẫu Hậu muốn nghe những lời phân trần, cởi mở. Nếu hài nhi không lầm thì tự do phát biểu ý kiến là một trong mười hai điều mà Mẫu Hậu đã đưa ra để tránh bất công. Hài nhi vào đây chỉ muốn cản ngăn, giúp đỡ Mẫu Hậu. Nếu hôm nọ hài nhi không nhắc nhở Mẫu Hậu thì chắc hai chị của hài nhi sẽ thành gái già mất. Nhưng sao Mẫu Hậu không gả họ cho người tử tế mà lại gả cho bọn thị vệ. Dù sao họ cũng là con của một vị Hoàng đế….
Võ Hậu ngắt lời, giọng bà nghiêm nghị đầy vẻ hăm doạ, mắt bà nheo lại lạnh lùng:
– Đủ rồi. Ngươi có thể lui.

Mười tám ngày sau, Thái tử Hoằng chết trong một cuộc đi chơi cùng Vua cha và Hoàng hậu. Chàng ăn phải một món ăn “khó tiêu” nào đó, dù chàng là người con ruột đầu lòng của Võ Hậu !
Nếu đem lòng người thường ra để đo lòng bà nội, người ta sẽ thất bại. Cha tôi Hoàng tử Hiền – còn bị đối xử tàn tệ hơn thế nữa.
Tôi thường nghĩ rằng các Hoàng tử trong thời nay đều là những quân cờ để bà nội mang ra chơi. Vì không thiếu quân, bà sẳn sàng đem thí khi gặp nước. Đám con cháu chỉ còn biết tự an ủi rằng khi sinh ra mỗi người một tính. Chẳng may bà nội tính tình quả khác thường. Hay nói đúng hơn, độc nhất vô nhị thì con cháu phải chịu vậy..
Sau đây là tổng kết thành tích của bà nội:
Ông nội Cao Tôn – có chín người còn trai, một người chết non. Bà nội giết năm người – kể cả hai người con ruột, còn lại hai người bị bà giam cầm mười mấy năm trời, đó là chưa kể đứa con gái sơ sinh mà bà bóp chết.
Thái tử Hoằng chết làm mọi người náo loạn.
Ngay tối hôm đó, Vua và Hoàng hậu trở về cung.
Cao Tôn thương Hoằng hơn tất cả mọi thứ trên đời. Ông lảm nhảm tính những người bị giết trong gia đình: Vương hậu, Triệu phi, bà Công tước, San San, Đào phi, Lý Trung – người con cả – và bây giờ là Hoằng.
Suốt đêm đó, Cao Tôn run rẩy bên xác con. Ông thực sự khóc nức nở vì thương.
Hôm sau ông không chịu đi ăn cơm ; khi mọi người ép vào phòng, ông cũng chỉ ngồi vào bàn chứ không ăn. Trông ông thực tiều tuỵ, mắt ông đăm đăm nhìn Võ Hậu.
Thấy vẻ khác lạ của ông, Võ Hậu nói:
– Bệ hạ đừng buồn rầu thái quá. Nên ăn một chút cho khoẽ.
Bất thình lình Cao Tôn đứng vùng dậy, đưa tay gạt hết bát đỉa trên bàn xuống đất, người ông run run, tóc xoã ra. Ông chỉ mặt
Võ Hậu, giọng ông lạc hẳn đi vì xúc động:
– Mi ! Chính mi đã giết con ta !
Võ Hậu tái mặt.
Cao Tôn lầm bầm:
– Ta với mi đến đây là hết. Mi không thể tha thứ cho bất cứ ai trên đời này trừ mi. Tại sao mi lại bắt mẹ Đào thị phải đi xa để ta không được gặp bà? Tại sao mi lại bỏ đói Đào thị?
Nói đến đây, Cao Tôn bỗng sấn lại Võ Hậu:
– Tại sao San San lại chết? Hãy nói cho ta biết mi đã làm gì nó? Mi giết nó vì nó biết nhiều chuyện về mi quá phải không?
Mặt Võ Hậu xanh lè trông gớm khiếp.
Cao Tôn dơ tay định xô bà xuống đất thì ông bỗng cảm thấy bao nhiêu hơi sức biến đâu mất hết, tay ông mềm nhủn, đã đưa lên nửa chừng lại bỏ thõng xuống, và Hoàng tử Hiền chạy lại vừa kịp đỡ ông khỏi té xuống đất. Chàng dìu ông về phòng. Mắt ông vẫn toé lửa, hơi thở dồn dập.
Võ Hậu bỏ ra ngoài và không trở lại thăm Cao Tôn.
Chưa bao giờ trong cung lại xảy ra một chuyện như vậy.
Hoàng tử Hiền ở lại săn sóc Cao Tôn.
Đêm hôm đó ông thều thào nói với chàng:
– Ta trao tất cả cho con đó. Ta không muốn làm vua nữa, ta muốn được yên. Sơn hà, xã tắc mà làm gì… Hãy để cho ta yên.
Quan thái y hết sức săn sóc Cao Tôn mà ông vẫn mê man. Suốt đêm ông cứ lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại mãi câu: Hãy để cho ta yên.
Ngày hôm sau, Cao Tôn cho gọi một số triều thần vào và tỏ ý định nhường ngôi lại cho Hiền, nhưng mọi người đều can ngăn, khuyên ông nên suy nghĩ kỹ.
Cao Tôn nghĩ lại và đã đổi ý: Ông không nhường ngôi cho Hiền mà truy phong cho Hoằng làm Hoàng đế và ra lệnh tổ chức đám tang theo đúng lễ nghi dành cho vua, tuy nhiên thời gian cả nước để tang rút ngắn lại còn ba mươi sáu ngày. Ông ra lệnh xây cho Thái tử một lăng mộ rất vĩ đại. Công việc xây thật khó nhọc, đến nỗi đã có vài bọn nhân công nổi loạn ném đá vào các quan giám thị rồi bỏ chạy.
Một năm sau, vợ của Hoằng cũng buồn rầu sinh bệnh mà chết.
Hồi 10

Nhà tiên đoán thời tiết
Tôi còn nhớ khi tôi được năm tuổi thì cha tôi về Trường An kể cho cả gia đình nghe tấn thảm kịch đã xảy ra cho Thái tử Hoằng tại Lạc Dương, và báo tin người đã được phong làm Thái tử để thay thế. Được hưởng vinh dự lớn lao như vậy mà người không tỏ ra vui vẻ chút nào.
Người có nói một câu mà tôi còn nhớ mãi:
– Nếu có thể, ta sẽ không bao giờ ăn cùng với Mẫu Hậu.
Dù sao việc cha tôi được làm Thái tử cũng khiến bọn trẻ chúng tôi vui mừng và gia đình tôi thay đổi nếp sống.
Trước kia cha tôi làm trưởng quan tỉnh Cam Túc nhưng cả gia đình vẫn sống ở Trường An. Nay người làm Thái tử, chúng tôi dọn vào sống trong cung.
Tôi còn nhớ nguyên sách vở của người đã chiếm ba xe bò đầy. Hồi ấy người hai mươi hai tuổi, và có ba con trai, tôi là út. Tôi được gặp ông bà nội mấy lần và được nghe láng máng về cuộc lễ Phong Sơn và chuyện San San bị đầu độc, nhưng tôi không nhớ mặt mũi ông nội tôi ra sao. Tôi chỉ biết từ sau chuyến đi Thái Sơn, ông nội càng ngày càng suy yếu thường nằm liệt giường. Và đến cuối năm 675, ông nội ngừng hẳn việc triều chính.
Chúng tôi sống tại Trường An cách xa Lạc Dương nơi bà nội ở. Điều này làm cha tôi rất hài lòng. Người thường vui vẻ nô đùa với chúng tôi, có ngày người rũ chúng tôi đi đá banh, có ngày người dẫn cả bọn đi săn bắn. Người rất thích ngựa và chim ưng. Người dạy tôi cách để chim ưng đậu trên tay, nhưng tôi không ưa chúng vì cặp mắt chúng dữ tợn quá. Người rất mê những con ngựa cao lớn -cùng sở thích với Cao Tôn và Thái Tôn-, nhất là những con lấy giống từ Thiên Sơn (Turkestan). Mỗi khi người cưỡi ngựa tôi thường đứng xem và phục lăn.
Cha tôi là một người vui tươi, khoẻ mạnh, một tay kiếm rất cừ và bắn cung cũng không đến nỗi tệ. Người học rất giỏi, khi sáu bảy tuổi người đã nỗi tiếng là thuộc nhiều thơ và có thể đọc đọc bộ Thư Kinh, một bộ sử của Khổng Tử, viết bằng cổ văn rất khó đọc.
Trong thời gian ở Trường An người đã cùng một số học giả soạn ra bộ Chú Giải về Lịch Sử đời Hậu Hàn.
Công việc này đòi hỏi một công trình khảo cứu thấu đáo về cổ ngữ và các phát âm các địa danh. Khi bộ sách hoàn tất, ông nội nhiệt liệt khen thưởng người vì người chính là chủ biên của công trình vĩ đại đó.

No comments:

Post a Comment