Tình Sử Võ Tắc Thiên - 23

Bước đầu của Nhân Kiệt là giải quyết dứt khoát việc chọn người kế vị. Thừa Tự không hy vọng gì tranh ngôi Thái Tử vì bao nhiêu công trình sắp đặt của hắn trong một phút đã trôi theo dòng nước. Vì một sự bất cẩn, họ An đã tự mổ bụng và làm lộ âm mưu vu khống Thái tử Đán của hắn. Hơn nữa, Nhân Kiệt đang vận động để Triết và Đán lần lượt nối ngôi Võ Hậu. Việc này tuy khó nhưng theo Nhân Kiệt không phải là không làm được. Trong khi đó Võ Hậu cũng chợt nhận ra tình thế không ổn.
Làm thế nào một người đàn bà có thể lập ra một triều đại mà không cần đến con trai làm người kế nghiệp?
Vấn đề thật nan giải. Con bà họ Lý, còn cháu bà họ Võ. Không lẻ bà truyền ngôi cho cháu mà không truyền ngôi cho con? Tuy bà có gán họ Võ cho Đán, nhưng đó chỉ là giả tạo. Dù sao chàng vẫn thuộc họ Lý và là người của nhà Đường.

Võ Hậu suy nghĩ rất nhiều. Bà có hơn mười người cháu. Bà muốn truyền ngôi lại cho Thừa Tự hoặc Tạm Tư vì chúng là cháu nội của thân phụ bà. Nhưng cứ mỗi lần bà trông thấy mặt chúng, trái tim bà như cứ chìm hẳn xuống. Điệu bộ của chúng vừa có vẻ bợ đở, vừa có vẻ hợm hỉnh, khúm núm với người trên, hống hách với kẻ dưới. Càng kiểu cách bao nhiêu, chúng càng làm cho mọi người chán ghét khinh bỉ bấy nhiêu.
Riêng Nghi Tăng, một người cháu khác, tuy có cao vọng nhưng thân hình loắt choắt, xác xơ, không khác gì một người bù nhìn cắm ở ngoài ruộng để doạ đám chim xuống ăn thóc.
Những người còn lại trông còn tệ hơn Nghi Tăng. Chúng ăn mặc cách nào cũng giống bộ xương khô, chẳng có nét nào giống một vị Hoàng đế. Ngoài ra, chúng chỉ là một bọn hèn nhát, ngu xuẩn và vô học.
Trong đám cháu. Võ Hậu tương đối ưa Tam Tư hơn cả. Bà muốn lập y làm Thái tử và hỏi ỷ kiến quần thần.
Nhân Kiệt cực lực phản đối.
Ông đánh đòn tâm lý:
– Bệ Hạ nên chọn một trong các Hoàng tử làm người kế nghiệp. Như vậy sau này bài vị của Bệ Hạ mới được đặt trong nhà Thái miếu và thờ phụng đúng lễ nghi đời này qua đời khác. Các Hoàng đế chỉ thờ cha chú, chưa có vị Hoàng đế nào thờ dì -em mẹ- tại nhà Thái miếu. Ngoài ra xin Bệ Hạ hãy xét lại xem, con thân hay cháu thân hơn? Dù con có ngỗ nghịch, nhưng chưa chắc cháu đã nhớ ơn dì mãi mãi.
Cũng như trăm ngàn người đàn bà khác, Võ Hậu bắt đầu lo rằng khi chết đi sẽ rơi vào cảnh mồ hoang mả lạnh, quanh năm không ai hương khói thờ phụng. Bà rất sợ phải làm hồn ma đói khát. Ngoài ra, Võ Hậu linh cảm thấy những người như Tam Tư hoặc Thừa Tự rất có thể sẽ quên hoặc làm nhục bà khi bà nằm xuống. Bà rất khâm phục lý luận xác đáng của Nhân Kiệt nhưng bà vẫn chưa đầu hàng. Bà nói:
– Ấy là việc riêng trong gia đình ta. Ta sẽ quyết định.
Nhân Kiệt bồi thêm một đòn nữa:
– Xin Bệ Hạ đừng quên rằng tất cả thiên hạ đều thuộc về Bệ Hạ. Vậy đâu còn chuyện riêng hay chuyện chung nữa. Vấn đề chọn người kế vị ảnh hưởng lớn đến Hoàng tộc cũng như trăm họ trong nước. Nó liên quan đến sự an nguy của xã tắc và phải được giải quyết một cách minh bạch. Hoàng tử Triết và Đán do chính bệ hạ sinh ra, dĩ nhiên Bệ Hạ nên chọn làm người nối nghiệp.
Đã từ lâu Võ Hậu lưỡng lự trong vấn đề này. Giờ đây bà bắt đầu cảm thấy Nhân Kiệt có lý. Bà phải chọn hoặc làm mẹ hoặc làm dì của vị vua tương lai, đằng nào an toàn hơn?
Một ngày kia bà hỏi Nhân Kiệt:
– Giữa Triết và Đán, nên chọn ai?
Vẫn với lối lập luận vững chắc, rõ ràng, Nhân Kiệt trả lời:
– Dĩ nhiên nên chọn Triết vì Triết là anh.
Hoàng tử Triết, hiện là Lư Lăng Vương, đã xa Võ Hậu mười bốn năm liền. Nhờ lời đề nghị của Nhân Kiệt, Triết và vợ được triệu hồi về Kinh đô, nhưng việc nãy được giữ bí mật.
Mọi người chỉ biết láng máng rằng Triết bị bệnh và phải về Kinh đô để chữa.
Riêng Triết là một con chim đã bị tên, thấy cây cung là sợ. Chàng tuân lệnh trong sự sợ hãi lo âu. Chàng không hiểu lần này về Kinh đô, số phận chàng sẽ ra sao?
Một lần nữa Nhân Kiệt vào cung để nhắc nhở Võ Hậu nên có ý định dứt khoát. Ông hồ nghi, không hiểu tại sao Võ Hậu lại phải giữ bí mật chuyện triệu hồi Triết về làm Thái tử. Bà còn có ẩn ý gì chăng?
Nhân Kiệt lại phải dùng đến tài hùng biện của mình để thuyết phục Võ Hậu.
Ông khéo léo khơi động tình mẫu tử đang tiềm tàng trong lòng bà. Cuối cùng bà nghe theo lời ông, không hiểu vì tình mẫu tử thiêng liêng hay vì bà muốn sau này có người hương khói phụng thờ.
Bà lên tiếng gọi Triết, và chàng bước ra từ sau một tấm màn.
Bà thân mật nói với Nhân kiệt:
– Ta trả Thái tử cho khanh đó?
Nhân Kiệt và Triết đều quì xuống tạ ơn.
Nhân Kiệt không quên chúc mừng bà đà có một quyết định sáng suốt.
Ông nói:
– Chuyện này không nên giữ bí mật.
– Khanh có ý kiến gì hay?
– Theo hạ thần, Bệ Hạ nên cho dân chúng chứng kiến cuộc trở về của Thái Tử, Bệ hạ nên tổ chức một cuộc tiếp đón long trọng để ngôi Thái Tử được công khai thừa nhận.
Võ Hậu nhất nhất nghe theo sự xếp đặt của Nhân Kiệt.
Cuộc tiếp đón Thái Tử được tổ chức vào tháng ba năm 698.
Quá thất vọng vì giấc mộng làm vua đã tan theo mây khói, Thừa Tự sinh bệnh và chết vào tháng mười một năm đó.
Riêng Đán rất vui lòng nhường ngôi Thái Tử cho Triết.
Năm sau tôi và các con của chú Đán rất vui mừng được rời khỏi hậu cung để sống đời tự do như trước. Lúc đó tôi đã hai mươi chín tuổi và đương kim Thánh Hoàng – con của chú Đán – mới mười bốn tuổi.
Tôi cảm thấy mình không khác một con chim vừa sổ lồng. Đáng lẽ tôi phải rất khích động vì được tự do dạo phố, nhìn lại các cửa tiệm của các khu dân cư đông đúc, nhưng sự thật trái lại. Dường như lòng tôi đã nguội lạnh từ lâu. Mọi việc trên đời đối với tôi đã trở nên tầm thường. Phải mất mấy năm trời tôi mới bỏ được thói quen ít nói, thận trọng và nhút nhát, để sống lại cuộc đời bình thường.
Địch Nhân Kiệt đã già. Cuộc đời ông là một chuỗi ngày tận tuỵ hy sinh cho xã tắc. Võ Hậu rất kính nể ông và coi ông như người trong Hoàng tộc. Trong tất cả các cuộc họp mặt, ông đều được đặc biệt tôn kính. Võ Hậu không gọi ông bằng tên hay bằng chức vụ, mà gọi ông là Quốc Lão để tỏ rõ địa vị cao quí của ông.
Tuy Triết đã được chọn làm người kế vị. Nhân Kiệt thấy rõ sẽ còn xung đột giữa họ Lý và họ Võ, vì quyền hành vẫn do họ Võ nắm giữ. Ông tự hỏi cuộc xung đột sẽ kết thúc ra sao? Nhưng có một điều ông biết chắc là phải cần đến những người tích cực hoạt động và can đảm phi thuờng mới có thể giải quyết vấn đề. Võ Hậu triệt để nghe lời tiến cử của ông, nên xung quanh ông đã có môt đám người dám nói dám làm; sẳn sàng đoàn kết để đương đầu với mọi biến cố. Còn ai giàu kinh nghiệm và can đảm hơn Nguỵ Viễn Chung. Còn ai hăng say với nhiệm vụ bằng Diêu Sủng và Tống Cảnh.
Nhưng điều khiến cho Nhân Kiệt bận tâm hơn cả là làm thế nào lật đổ nhà Chu. Ông cần phải có những người tâm phúc.
Người đầu tiên ông nghĩ tới là Trương Giản Chi, một bạn thân từ hồi còn nhỏ. Hiện thời Giản Chi chỉ giữ một chức quan nhỏ. Nhân Kiệt biết rõ Giản Chi là người thâm trầm, ít nói, nhưng tài ba xuất chúng. Hai người có chung một ý nguyện khôi phục nhà Đường.
Một ngày kia Võ Hậu bảo Nhân Kiệt tìm một người có khả năng để giữ một nhiệm vụ quan trọng.
Nhân Kiệt hỏi:
– Tâu Bệ Hạ, người đó phải như thế nào?
– Y phải tài ba hơn người, nghĩa là phải nghĩ và hành động trước người khác.
– Nhiệm vụ của người đó là gì, tâu Bệ Hạ?
– Y phải văn võ kiêm toàn, vừa có thể điều khiển việc triều chính, vừa có thể làm Nguyên soái nơi trận mạc.
– Vậy thì không ai bằng Trương Giản Chi.
Không hiểu Võ Hậu nghĩ sao, bà hạ lệnh cho Giản Chi về giữ chức Trưởng quan tại một quận thuộc Kinh đô. Tuy chức vụ này quan trọng nhưng chưa được như lời Võ Hậu nói. Có lẻ bà muốn thử tài Giản Chi.
Một ngày khác Võ Hậu lại bảo Nhân Kiệt tìm người tài giỏi để trọng dụng.
Nhân Kiệt nói:
– Hạ thần đã tiến cử Giản Chi rồi mà.
– Trẫm đã dùng y rồi.
– Không phải như vay. Thần tiến cử y làm Thừa tướng chứ không phải làm một chức quan nhỏ như vậy.
Võ Hậu phong Giản Chi làm Phó thượng thư bộ Hình. Thế là ông trở nên nhân vật quan trọng.
Nhân Kiệt cảm thấy mình đã già và chẳng còn sống được bao lâu nữa. Ông biết ông sẽ ra đi trong sung sướng vì trong cuộc cờ chính trị ông đã đi những nước cao và đang thắng thế, phần còn lại ông phó mặc cho Trời. Có lẽ Trời không nỡ phụ lòng ông. Sau này chính những người do ông tiến cử như Giản Chi, Diêu Sủng, Kỉnh Huy, Quang Ngạn Phạm, Thôi Ngươi Huy, Viên Thứ Kỷ thành công trong việc khôi phục nhà Đường.
Năm 700, sau khi Nhân Kiệt trăn trối những việc phải làm cho Giản Chi, Địch Nhân Kiệt nhắm mắt từ trần. Lúc đó ông bảy mươi mốt tuổi.
Bộ óc lớn nhất thời đại không còn nữa !
Hồi 21

Viện Chim Hạc
Trước khi Nhân Kiệt chết, Võ Hậu đã bắt đầu dan díu với hai anh em họ Trương – mới ngoài hai mươi tuổi –
Dưới mắt Nhân Kiệt, chúng chỉ là nàng hầu của Võ Hậu, không đáng để ý. Hơn nữa đó là chuyện tình ái của Võ Hậu, ông chẳng cần bận tậm đối với ông, chúng có ích hơn là có hại. Ông có thể lợi dụng chúng để xúi dục Võ Hậu làm theo ý ông. Chính vụ Triết được chọn làm Thái tử một phần cũng nhờ chúng nói giúp.
Nguỵ Viễn Chung đã có lần vào can gián Võ Hậu không nên mê đắm anh em họ Trương và để chúng trong khuê phòng, vì đây là một hành động tội lỗi có thể đưa nhà Chu đến chỗ diệt vong.
Nhưng Nhân Kiệt không quá tử tế với Võ hậu như vậy. Theo ông nghĩ, sự đam mê của Võ Hậu sẽ giúp ông khôi phục nhà Đường dễ dàng hơn.
Võ Hậu cảm thấy chưa thoả mản với quan Thái y họ Trầm. Bà cần phải có hai, ba, bốn, hoặc nhiều người yêu hơn nữa. Các Hoàng đế có nhiều cung nữ, bà cũng phải có nhiều “cung nam”. Vả lại bà đã già – bảy mươi ba tuổi – cần phải giải trí. Xưa nay các vị vua già vẫn còn thích gái tơ – dù chẳng làm ăn gì được – vậy tại sao bà không có quyền giữ các trai tơ trong khuê phòng?

No comments:

Post a Comment