Tình Sử Võ Tắc Thiên - 18

Hoài Nghĩa hiện đã là sư trưởng đền Bạch Mã ở ngoại thành. Tại đây gã qui tụ một bọn đầu trâu mặt ngựa xuất thân từ đám giang hồ mãi võ. Gã đã trở nên đệ nhất kiến trúc sư trong nước, lo việc xây cất hai toà điện mới: Minh Đường — về sau đổi là Đền Thờ Muôn Vật và được Võ Hậu dùng làm nơi tiếp kiến các quan vào chầu và Thiên Đường.
Việc xây hai tòa điện này nằm trong một kế hoạch chính trị ám muội của gã sư điên. Riêng toà điện Minh Đường sẽ đưa tới một cuộc khủng hoảng chính trị sau này.
Mọi hoạt động đều mang tính chất tôn giáo. Kinh đô được đổi thành Thánh Đô. Một chương trình vĩ đại được thực hiện để mọi người tin tưởng rằng Võ Hậu chính là hiện thân của một vị phật.
Tổn phí xây cất Minh Đường và Thiên Đường không thể kể xiết. Hàng mấy chục ngàn nhân công được đặt dưới quyền vị sư trưởng. Những cây gỗ khổng lồ được chuyển từ núi về. Mỗi cây hàng ngàn người khiêng đi một cách chậm chạp.
Toà Minh Đường rộng và cao một trăm thước gồm ba tầng.
Tầng dưới cũng hình vuông, bốn mặt tường sơn bốn màu trắng, đen, đỏ và xanh lá cây, tượng trưng cho tứ đại của vũ trụ – đất, nước, không khí và lửa-. Tầng giữa có mười hai cạnh tượng trưng cho mười hai tháng và mười hai cung của hoàng đạo. Tầng này có mái cong tựa trên chín con rồng. Tầng trên cũng có hai mươi bốn cạnh tượng trưng cho hai mươi bốn chòm sao trên trời. Trên đỉnh có hình chim phượng hoàng, cao ba thước nạm vàng sáng chói. Xung quanh điện có máng sắt để nước chảy tượng trưng cho sự lan tràn của văn hoá.
Toà Thiên Đường được xây trên một khu đất cao hơn ở phía Tây toà Minh Đường. Đứng ở tầng thứ ba, người ta có thể trông thấy nóc Minh Đường. Ngôi điện bao quanh một tượng Phật khổng lồ bằng thạch cao bên trong nhồi vỏ gai. Kể cả bệ, bức tượng cao gần một trăm thước. Mười người có thể đứng trên ngón tay út của bức tượng.
.
Võ Hậu thích cái gì cũng phải to lớn và huy hoàng !
Nhà sư to và huy hoàng một cách riêng tư còn tượng Phật to và huy hoàng một cách công khai.
Vô hình chung, Võ Hậu trở nên một Phật giáo đồ. Nhà sư hay thì đạo Phật cũng hay. Bà ngự tại Minh Đường và Phật ngự tại Thiên Đường. Nhà sư là mối liên lạc giữa hai bên. Sự xếp đặt này tượng trưng cho một cuộc phiêu lưu tinh thần và những giai thoại pha trộn giữa thiêng liêng và phàm tục, xác thịt và tôn giáo.
Võ Hậu đã nắm quyền tối thượng và hưỡng mọi hạnh phúc dưới trần gian, bà muốn mang thiên đường xuống hạ giới và đặt vào trong cung.
Nhà sư điên và Võ Hậu gặp nhau ở một điểm cùng thích những cái phi thường. Gã sai người vẽ chân dung một ông Phật trên vải. Bức hình cao sáu bảy chục thước, mũi của ông Phật to bằng chiếc thuyền.
Mực để vẽ hình là máu bò, nhưng gã nói máu đó lấy ở đầu gối của gã – Những Phật giáo đồ cuồng tín thường dùng máu mình vẽ hình Phật để làm vật cúng tế. Chẳng may gió mạnh thổi rách mất bức hình đó, gã bèn sai người vẽ bức khác.

Võ Hậu và nhà sư điên, người yêu của bà, đều quan niệm rằng dân chúng rất nhẹ dạ hay tin nhảm. Hai người tha hồ tưởng tượng ra những chuyện ly kỳ. Nhà sư điên đang sắp đặt một huyền thoại để biến Võ Hậu thành Phật Cười tái sinh. Sự lựa chọn vị phật này không căn cứ trên căn bản thần học mà dựa vào tánh cách phổ thông, mọi người đều biết tới. Phật Cười chính là vị Phật bụng phệ, hở rốn mà chúng ta thường thấy. Từng là hiện thân của hạnh phúc và sự hoan hỉ.
Trong những dịp gần gũi Võ Hậu, có thể gã sư hổ mang bất ngờ khám phá ra chân lý của vũ trụ, khi sự che đậy bên ngoài hoàn toàn bị trút bỏ. Gã được hân hạnh trông thấy chiếc bụng phệ hở rốn của Võ Hậu. Qua sự méo mó nghề nghiệp, gã tưởng tượng ra Võ Hậu là vị Phật Cười, và gã đã thực sự quỳ gối để chiêm ngưỡng chiếc bụng phệ trong khi Phật đang mỉm cười.
Sau đó gã sư hổ mang sai mười tên sư khác soạn một tập truyện thần thoại mang nhan đề “Đại Vân Kinh” — Kinh đám mây lớn – trong đó kể rằng Phật Cười đã đầu thai làm Võ Hậu để xuống trần gian cứu nhân độ thế.
Về sau chuyện này được chính thức phổ biến bằng sắc chỉ.
Say mê với những giấc mộng huy hoàng tưởng chừng sắp bay bỗng lên không trung. Võ Hậu còn muốn tiến xa hơn nữa. Theo lời khuyên của Hoài Nghĩa và Thừa Tự, bà quyết định xưng làm Thánh Mẫu, Thánh Hoàng cho có vẻ hợp với khung cảnh hiện tại Chữ Hoàng trong danh hiệu nãy muốn biến là Hoàng hậu cũng được, muốn hiểu là Hoàng đế cũng được. Võ Hậu muốn mọi người hiểu theo cách thứ hai hơn vì chức vị Hoàng đế đối với bà không còn xa lạ mấy.
Riêng danh từ Thánh Mẫu để chỉ một vị nữ thánh là danh từ quan trọng hơn.
Võ Hậu buông thả óc tưởng tượng của mình đến độ chót. Bà sung sướng và, hơn thế nữa, hứng khởi. Máu ngông của nhà sư điên chưa chắc đã hơn bà. Người ta chọn chó, mèo hay chim để ngồi làm cảnh, nhưng nếu là Võ Hậu bà sẽ chọn cá voi.
Hồi 15
Tôn thất nhà Đường bị tiêu diệt
Năm 688 đã đến lúc một cuộc cách mạng chín mùi. Tài sắp đặt của Võ Hậu đáng để chúng ta khâm phục. Với chiến thuật của một tay cao cờ, bà đã lần lượt đưa các Vương tước nhà Đường vào bẩy.
Võ Hậu chiếm ở một tư thế rất thuận lợi, Hệ thống mật thám của bà đã hoàn bị. Các pháp đình đều đầy nhóc bộ hạ của bà. Từ quan đến dân đều run sợ, khuất phục trước những cảnh khủng bố, chết chóc và bắt bớ tập thể. Không có vấn đề hợp pháp hay bất hợp pháp. Bà nghiễm nhiên thay mặt nhà Đường nắm quyền cai trị với tư cách một Thái Hậu. Tất cả các cuộc nỗi dậy chống lại bà đều bị coi là chống lại Hoàng đế nhà Đường. Mặc dầu Hoàng đế đang bị nhốt tại hậu cung. Bà đã tập trung quyền hành trong tay những người cháu họ Võ của bà, đồng thời tước đoạt hết binh quyền của các Đường vương.
Sau cuộc dấy loạn của Kỉnh Nghiệp, bà đã giết quan Trung Thư Xá Nhân họ Bạch cùng một số lão tướng và thách thức quần thần nỗi loạn. Giờ đây bà thách thức luôn cả những Đường vương.
Võ Hậu cố để lộ cho mọi người thấy rõ nghĩa chính trị của các giai thoại có tính cách tôn giáo kể cả những chuyện bịa đặt về điện Minh Đường. Để rập khuôn theo Thời Đại Hoàng Kim của Khổng Phu Tử, bà muốn triều đại của bà sẽ phải được gọi là nhà Chu, vì trước kia các Hoàng đế nhà Chu thường lâm trào tại điện Minh Đường. Các huyền thoại và giả thuyết chính trị được đặt ra càng ngày càng nhiều để báo trước sự ra đời của một triều đại mới.
Người ta còn phao tin rằng họ Võ là giòng dõi của các vua nhà Chu, trong khi các học giả uyên bác nhất cũng không tìm thấy liên hệ cỏn con nào giữa Võ Tắc Thiên và các vị vua này, kể cả vị vua đầu tiên của nhà Chu là Võ đế -năm 1100 trước Tây lịch-.
Thực ra thời nhà Chu còn theo chế độ Mẫu hệ, Võ đế chỉ là danh hiệu truyèn tụng sau khi ông chết, chứ không phải ông họ Võ.
Nhưng Võ Hậu không cần biết điều đó. Sau khi lật đổ nhà Đường vào năm 690, bà cho đặt bài vị của Võ đế trong tôn miếu và gọi ông là ông tổ bốn mươi đời của nhà họ Võ.
Bà rất dốt về sử, Nhưng lại rất bạo về khoa “cương ẩu”. Nếu có thể, chắc bà đã biến Không Phu Tử thành tổ tiên nhà bà luôn. Thường thường, muốn lập một triều đại mới phải theo thiên mệnh và có điềm báo trước. Võ Hậu muốn mọi người sẽ thấy điềm báo trước đó.
Các điềm trong trời đất có thể là một vì sao sáng, một vầng hào quang, hay một đám khói bay lên không trung biến thành hình rồng, v.v.
Váo tháng bảy năm 687 có một điềm lạ đã thực sự xảy ra. Một người nhà quê kể rằng con gà mái của anh bỗng dưng biến thành gà trống.
Tháng giêng và tháng mười năm 689 cũng có những điềm tương tự. Người ta bảo âm dương đã đảo lộn. Võ Hậu biết những chuyện này nhưng không cần phổ biến. Bà có thể tạo ra những điềm ly kỳ hơn.
Song song với việc biên soạn Đại Vân Kinh của sư Hoài Nghĩa.
Võ Thừa Tự đang tạo ra điềm.
Tháng tư năm 688, y dùng một phiến đá cổ, đẽo thành một tấm bia lớn có khắc tám chữ:
Thánh Mẫu xuống trần.
Trường thịnh nghiệp đế.
Sau đó y sai người liệng tấm bia xuống sông Lạc.
Một gã nhà quê tình cờ trông thấy tấm bia bèn vô triều tâu cho Võ Hậu hay.
Võ Hậu làm bộ ngạc nhiên và hoan hỉ. Bà phong cho gã làm Khâm Sai đại Thần và cho đổi quốc hiệu là Trường Thịnh.
Tháng năm và tháng sáu năm đó, Võ Hậu tổ chức những buổi lễ Thiên Địa tại khu ngoại thành phía Nam để tạ ơn trời đất.
Bà đổi tên sông Lạc thành sông Trường Thịnh, gọi tấm bia đá kia là Bia Thánh Linh và gọi khúc sông tìm thấy tấm bia là Suối Thánh Linh.
Dân chài lưới không được đánh cá tại khu vực này. Ngoài ra bà còn ra lệnh ân xá các tội phạm để ăn mừng.
Tất cả những hành động của Võ Hậu khiến người ta cỏ cảm tưởng rằng bà là một nạn nhân khờ khạo của trò bịp bợm do chính bà bày ra. Tuy nhiên, bà không khờ khạo. Bà biết rõ dân chúng thích thấy và tin tưởng những chuyện huyền hoặc, những phép mầu và những điềm lạ. –
Người ta bắt đầu thổi phồng những chuyện thần thoại có liên quan đến Võ Hậu với mục đích tuyên truyền chính trị.
Triều đình công bố sẽ tổ chức một buổi lễ để Võ Hậu ra tận Suối Thánh Linh vớt bia và nhận sự uỷ thác của Thượng đế.
Đây là một đại lễ nên tất cả các vương tước trong Hoàng tộc cùng các quan văn võ và phu nhân phải về tập trung tại kinh đô mười ngày trước.

Mọi ngươi thấy rõ sắp có một biến cố chịnh trị. Một triều đại mới sắp ra đời. Dân chúng lén lút bàn tán với nhau rằng cuộc cách mạng đã bắt đầu ló dạng và việc triệu tập các Vương tước về kinh đô chỉ là một cái bẩy. Hoàng đế và các Thân vương sẽ bị tóm trọn khi tất cả có mặt tại Lạc Dương. Các mật thư được trao đổi tới tấp giữa các Vương tước ở xa và bạn bè của họ tại kinh đô.
Lời bàn tán của dân chúng có phải là sự thực không? Họ nên hay không nên về kinh?
Chính các Vương tước tại kinh đô cũng phân vân không biết phải quyết định ra sao. Họ thấy rõ những triệu chứng bất tường nhưng không biết đích xác chuyện gì sẽ xảy ra.
Vệ vương nghe lời đồn nhưng không tin. Công tước Vĩnh con của Vương tước Phong em Thái Tôn – viết thư hỏi ý kiến một người bạn họ Cao tại kinh đô.
Cao trả lời: đừng về. Về là chết !
Khoảng thời gian này, một số Vương tước lão thành em của Thái Tôn còn sống.
Đáng kể nhất là Hàn Vương Gia, Lỗ Vương Quế và Hạ Vương Duy. Ngoài ra còn có các em của Cao Tôn là Vệ Vương, Việt Vương. Cả hai vị vương tước này đều đã gần sáu mươi tuổi và nỗi tiếng là các văn sĩ lỗi lạc.
Sau cái chết của họ Bạch, tất cả các Vương tước vừa kể đều bị đoạt hết quyền hành và bị tản mác mỗi người một tỉnh để làm quan.
Thực ra, Võ Hậu và con cháu của bà cố ý tung ra tin các Vương tước về là mắc bẫy để dồn họ tới chỗ liều lĩnh, cũng như người ta cố ý đổ cho tù nhơn bỏ chạy là để có cơ bắn chết.
Dĩ nhiên các Vương tước phải tự vệ. Họ không muốn chui đầu vào rọ để bị giết hoặc bị bọn đầu trâu mặt ngựa khảo đả nhục nhã.
Hàn Vương Gia viết thư khuyến cáo các Vương tước khác như sau:
Hiển nhiên Võ Hậu đang trù tính tàn sát các Vương tước nhà Đường. Nếu không hành động ngay, toàn thể họ Lý chúng ra sẽ bị tiêu diệt.
Con của Hàn Vương Gia cũng viết thư bằng mật ngữ cho anh họ là Lang Nha Vương Xung:
– Bà vợ cũ của tôi đang đau nặng cần phải chữa ngay. Đợi đến múa đông e quá trễ.
Vì các Vương tước ở cách xa nhau – Phần lớn ở Hà Bắc, Hà Nam và Sơn Dông-, việc liên lạc rất khó khăn nhất là lại có hệ thống mật thám vĩ đại của Võ Hậu.
Nhưng thời gian không cho phép họ chần chừ nữa. Họ phải quyết định ngay.
Võ Hậu đã thành công trong việc dồn các Vương tước tới chơn tường. Bà hy vọng họ sẽ hấp tấp hành động và bà chờ đợi với một con dao thủ sẵn trong tay áo. Bà sẽ bảo vệ nhà Đường dù phải giết hết các Đường vương. Ngược lại nếu họ không chịu hành động bà sẽ cho người xúi dục họ rồi quăng một mẻ lưới. Bà đã mất công lập ra hệ thống mật thám. Bà phải dùng đến nó.
Tháng bảy năm 688, con Việt Vương Trinh là Lang Nha Vương Xung dấy binh chống lại Võ Hậu. Ông cho người nguỵ tạo một bức thư của Thái tử Triết – đã bị Võ Hậu truất ngôi vua và giáng xuống làm Lư Lăng Vương – từ Phong Châu gửi về yêu cầu các Vương tước giải cứu.
Sau đó Xung viết thư kêu gọi các Vương tước đem binh về kinh đô. Riêng Xung sẽ động binh từ Sơn Đông –
Cuộc khởi nghĩa của các Vương tước nhà Đường hoàn toàn thiếu chuẩn bị, liên lạc và kế hoạch ; Xung lại không có căn bản quân sự nên chỉ bảy ngày sau, cuộc khởi nghĩa tan rã. Xung bị một thuộc hạ giết. Các vương tước khác nghe tin này đều sợ hãi. Án binh bất động. Riêng Việt Vương Trinh thấy con đã tạo phản và bị giết nên cũng quyết định hành động. Tuy người chỉ có vỏn vẹn hai ngàn binh và ở rất gần kinh đô. Ông vẫn phải chọn con đường chiến đấu vì đằng nào cũng chết.
Quân ông phải chống với một lực lượng triều đình đông gấp năm mười lần. Dĩ nhiên ông thất trận và phải tự sát.
Các Đường vương đã chui đầu vào bẫy của Võ Hậu. Họ đã công khai chống đối bà. Giờ đây bà chỉ việc cho tên trùm mật thám họ Châu biến những Vương tước còn lại thành đồng loã của bọn phiến loạn nữa là xong. Việc này chẳng có gì khó khăn vì bà đã may mắn bắt được những bức thư của Việt Vương viết cho một số Vương tước khác.
Chỉ cần vài người bị bắt, họ Châu sẽ có cách làm cho tất cả các Đường vương và họ hàng thân quyến đều bị liên luỵ.
Cuộc thanh trừng bắt đầu. Theo đúng luật chỉ có khoảng năm sáu Vương tước đáng bị đem ra tử vì họ thực sự can dự vào cuộc nổi loạn. Nhưng cuộc thanh trừng bao trùm toàn thể Hoàng gia, kể cả vợ con và cháu chắt các Vương tước.
Cuộc phiến loạn là một cái cớ để Võ Hậu tiêu diệt nhà Đường với trọn quyền hành động. Tên hung thần họ Châu hết sức làm vừa lòng Võ Hậu. Mỗi người bị hắn bắt lại khai thêm hàng trăm người khác. Hắn tha hồ bắt bớ chém giết.
Các cuộc hành hình biến thành các đám rước đi khắp đường phố để mọi người đều biết. Với chủ ý làm khiếp đảm quần chúng.
Bây giờ không còn là thời kỳ ám sát nhau một cách lén lút rồi tìm cớ che đậy bưng bít như trước nữa.

No comments:

Post a Comment